Mỗi đối tượng trong tự nhiên đều được thể hiện thông qua các thông số. Để cho ngắn gọn và tránh sự nhầm lẫn khi trao đổi thông tin, các nhà khoa học thường sử dụng ký hiệu thay cho những tên gọi dài dòng của các thông số. Việc sử dụng các ký hiệu thường được các nhà khoa học sử dụng thống nhất trong phạm vi một quốc gia hoặc quốc tế. Tuy nhiên, trong các báo cáo khảo sát địa chất, các bảng tổng hợp kết quả thí nghiệm ở Việt Nam, việc sử dụng các thuật ngữ, ký hiệu và đơn vị đo không được trình bày nhất quán và cũng không tuân theo một quy cách của quốc gia nào (dân gian thường gọi là 'Tây-Ta lẫn lộn').
Khối lượng thể tích - dung trọng tự nhiên
Thuật ngữ “khối lượng thể tích” muốn nói đến “khối lượng của một đơn vị thể tích” và thường được ký hiệu là ρ (ký tự Hy Lạp – rho). Do đó, thứ nguyên của “khối lượng thể tích” sẽ là [khối lượng]/[thể tích].
Đơn vị đo của khối lượng là g, kg, tấn… Đơn vị đo của thể tích là mm³, cm³, m³… Vậy, đơn vị đo của “khối lượng thể tích” phải là g/cm³, T/m³…
Thuật ngữ “dung trọng tự nhiên” muốn nói đến “trọng lượng của một đơn vị thể tích” và thường được ký hiệu là γ (ký tự Hy Lạp – gamma). Do đó, thứ nguyên của “dung trọng tự nhiên” sẽ là [trọng lượng]/[thể tích].
Đơn vị đo của trọng lượng là đơn vị đo của lực, ví dụ: N, kN… Vậy, đơn vị đo của “dung trọng tự nhiên” phải là N/m³, kN/m³…
Như vậy, để đảm bảo tính nhất quán thì khi nói đến “khối lượng thể tích” thì phải dùng ký hiệu ρ, đơn vị g/cm³ hoặc kg/m³ hoặc T/m³…; còn khi nói đến “dung trọng tự nhiên” thì phải ký hiệu là γ, dùng đơn vị kN/m³ hoặc N/m³…
Trong khi đó, các báo cáo khảo sát địa chất ở Việt Nam thường pha trộn các cách viết như:
- Dùng thuật ngữ “dung trọng tự nhiên” với ký hiệu là γ, đơn vị đo là g/cm³. Lẽ ra, để đảm bảo tính nhất quán thì phải dùng đơn vị đo là kN/m³
- Dùng thuật ngữ “khối lượng thể tích” với ký hiệu là γ, đơn vị đo là g/cm³. Lẽ ra, để đảm bảo tính nhất quán thì phải dùng ký hiệu ρ.
- Dung trọng tự nhiên thì ký hiệu là γw (w nghĩa là ‘wet’ theo tiếng Anh), nhưng dung trọng khô thì ký hiệu là γk (k nghĩa là ‘khô’ theo tiếng Việt) và dung trọng đẩy nổi thì ký hiệu là γđn (đn nghĩa là ‘đẩy nổi’ theo tiếng Việt): đúng là Anh-Việt giao duyên !
Giới hạn Atterberg
Giới hạn chảy thì ký hiệu là wch (ch nghĩa là ‘chảy’ theo tiếng Việt) nhưng giới hạn dẻo thì ký hiệu là wp (p nghĩa là ‘plastic’ theo tiếng Anh) hoặc ngược lại, giới hạn chảy thì ký hiệu là wL (L nghĩa là ‘liquid’ theo tiếng Anh) còn giới hạn dẻo thì ký hiệu là wd (d nghĩa là ‘dẻo’ theo tiếng Việt): đúng là Anh-Việt hòa hợp !
kG/cm² - Kg/cm² - kgf/cm² - KG/cm²
Theo nghị định số 65/2001/NĐ-CP và 134/2007/NĐ-CP của Chính phủ về việc ban hành hệ thống đơn vị đo lường hợp pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đơn vị đo lường của áp suất, ứng suất là pascal (Pa). Trong thí nghiệm địa kỹ thuật, ứng suất thường được biểu diễn theo đơn vị kilôpascal (kPa).
Trước đây, theo hệ thống đo lường cũ, đơn vị đo của áp suất, ứng suất là kG/cm². Tuy nhiên, trong các báo cáo khảo sát địa chất, mọi người thường viết ngẫu hứng: kG/cm² hoặc Kg/cm² hoặc kgf/cm² hoặc KG/cm²… Vậy cách viết nào là đúng?
Thứ nguyên của áp suất, ứng suất là [lực]/[diện tích]. Trong khi đó, vì ‘kg’ là đơn vị đo của khối lượng nên không thể dùng ‘kg’ để biểu diễn đơn vị đo của lực trong biểu thức thứ nguyên của áp suất, ứng suất. Vì vậy, cách viết kg/cm² hoặc KG/cm² hoặc Kg/cm² đều không đúng. Cách viết đúng phải là kG/cm² hoặc kgf/cm². Trong một số tài liệu nước ngoài, đơn vị kgf/cm² cũng được viết gọn là ksc (kilogram-force per square centimeter)
Hỏi: Vì sao viết hoa ký tự 'K' trong đơn vị ‘KG/cm²’ là không đúng?
Đáp: Ký tự 'k' (kilô), là tiền tố chỉ bội thập phân của đơn vị đo lường nên không được viết hoa.
Hỏi: Vì sao ký tự 'G' lại được viết hoa trong đơn vị ‘kG/cm²’?
Đáp: Ký tự 'G' được viết hoa để nhấn mạnh ký hiệu ‘kG’ không phải là đơn vị đo khối lượng (kiôgram) mà là đơn vị đo lực (kilôgram lực).
Hỏi: Vì sao có ký tự f trong đơn vị kgf/cm²?
Đáp: Tương tự như trên, ký tự ‘f’ nhấn mạnh ‘kgf’ là đơn vị đo lực (kilôgram lực) chứ không phải đơn vị đo khối lượng kilôgram.
Hỏi: Vậy có tồn tại đơn vị đo kg/cm² không?
Đáp: Có, nhưng không phải để biểu diễn đơn vị đo áp suất/ứng suất. ‘kg/cm²’ có nghĩa là ‘a surface density measurement unit’
Bình luận
Hai khái niệm unit weight và density được phân biệt rất rõ trong các tài liệu về Cơ học đất bằng tiếng Anh và trong tiêu chuẩn ASTM D7263 về xác định dung trọng của đất. Bạn cũng có thể tìm đọc thêm ở các tác giả khác như K.H. Head, G.E. Barnes...
Nếu bạn đọc quyển Soil Mechanics của Whitlow (bản gốc bằng tiếng Anh chứ không phải bản dịch) bạn cũng sẽ thấy Whitlow nêu rõ định nghĩa và thứ nguyên của hai khái niệm này.
Còn vì sao người Việt có thói quen dùng lẫn lộn giữa hai khái niệm này thì... chỉ có trời mới biết
Có gì thảo luận nhé!